Á quân không giày Phạm Thị Huệ (vận động viên điền kinh)

Trên đấu trường khu vực, do hai lần liên tiếp tham dự SEA Games đều về vị trí thứ nhì ở nội dung sở trường 10.000 m, Phạm Thị Huệ được giới truyền thông gán cho biệt danh "Á quân không giày"[36] hoặc "Á quân chân đất",[37] hình ảnh cô bỏ giày dũng mãnh băng băng lao về đích thật sự truyền cảm hứng đồng thời gây ấn tượng mạnh đối với người hâm mộ.[38] Lý giải về điều này Phạm Thị Huệ cho biết, do quá trình tập luyện khiến gót chân của cô bị trượt da nên không thể đi giày: "Tôi rất muốn chạy bằng giày để nâng cao thành tích nhưng mỗi khi tập luyện để thi đấu thì lại bị đau nên phải chấp nhận chạy thế này".[39] Huệ còn thổ lộ: “Chấn thương luôn làm tôi đau nhói cổ chân trong mỗi bước chạy, thế nhưng điều đó không phải là trở ngại lớn vì thành tích mới quan trọng hơn cả”.[40] Chính bởi nguyên nhân cơ bản trên, trước khi thi đấu cô thường bọc các ngón chân bằng vải băng, rồi tháo ra sau khi về đích.[41]

Ở nội dung 10.000 m nữ SEA Games 28, Phạm Thị Huệ bất chợt lên cơn co thắt bụng trước lượt chạy chung kết, do đó cô bị Triyaningsih của Indonesia vượt lên khá xa, Huệ buộc phải cạnh tranh với Vongvarachoti (Thái Lan) để giành Huy chương bạc. Trong những vòng đầu tiên, Phạm Thị Huệ luôn để đối thủ dẫn trước, cô cho biết đó là chiến thuật của Ban huấn luyện đề ra giúp cô có sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi bung sức vượt mặt đối thủ. Phạm Thị Huệ đã tuân thủ đúng chiến thuật này, cô chạy nước rút ở những vòng cuối và bỏ xa đối thủ người Thái Lan để về đích với vị trí thứ hai. Cũng chính vì vậy, khi về đích cô ngồi thụp xuống để lấy lại sức, và khi đứng dậy Phạm Thị Huệ suýt té vì choáng váng. Huệ phải nhờ đồng đội Hoàng Thị Thanh đỡ mới có thể đi tiếp, năm đó Hoàng Thị Thanh về đích thứ tư ở nội dung này.[42]

Ở nội dung 10.000 m nữ SEA Games 29, Phạm Thị Huệ tiếp tục thực hiện chiến thuật núp gió cho tới vòng thứ 23. Tuy nhiên khi huyền thoại người Indonesia Triyaningsih bứt tốc ở hai vòng cuối thì cô không thể theo kịp và chấp nhận một lần nữa giành Huy chương bạc, chạy cùng với Huệ còn có đồng đội Phạm Thị Hồng Lệ, người giành Huy chương đồng. Có lúc, Huệ cảm thấy đôi chân bắt đầu có dấu hiệu phản chủ, cơn đau lan tới khiến cô nản chí. Song nghị lực mạnh mẽ của cô lớn hơn cái đau rát ở bàn chân vì không dùng giày, nhanh chóng dán miếng băng ở những chỗ xuất hiện vết thương, chỉ cần như vậy, và Phạm Thị Huệ lại tiếp tục lao về đích. Đã có thời điểm Huệ và Lệ bám sát Triyaningsih và chờ đợi bộ đôi này vượt lên sau một thời gian dài núp gió giữ sức, nhưng đối thủ người Indonesia sớm bước vào chạy nước rút khi còn hai vòng và bỏ lại bộ đôi Vận động viên Việt Nam.[41] Theo tiết lộ từ Huấn luyện viên Huỳnh Minh Hiếu của nữ vận động viên Phạm Thị Hồng Lệ thì trong cuộc thi này vai trò của Lệ chỉ tham gia chạy chiến thuật để hỗ trợ đồng đội, nghĩa là Lệ bung sức với tốc độ cao trong khoảng 10 vòng sân đầu tiên, nhằm phá sức đối phương còn chỉ tiêu huy chương là phần việc của Huệ ở các vòng sau. Hồng Lệ tuy phải hy sinh sở trường của mình, nhưng cô đã thành công vượt trên cả dự kiến và xuất sắc về vị trí thứ ba[43]

Phạm Thị Huệ chụp ảnh lưu niệm sau một buổi tập

Những tấm Huy chương bạc ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp cũng không thể khiến người khác đánh giá thấp Phạm Thị Huệ, vì đối thủ của cô là Vận động viên Triyaningsih của Indonesia quá mạnh - huyền thoại trên đường chạy 10.000 m tại SEA Games. Ở 5 kỳ Đại hội gần nhất kể từ năm 2007, Triyaningsih chưa cho phép bất kỳ ai chạm tới vị trí của cô.[44] Ngay sau cuộc thi, rất nhiều phóng viên quốc tế đến từ Indonesia, Thái Lan, Singapore và các hãng thông tấn lớn như AP, Reuters lúc phỏng vấn đều tỏ ra thán phục và ngưỡng mộ Phạm Thị Huệ.[45] Hình ảnh Phạm Thị Huệ với đôi chân trần chạy bộ về đích cho thấy sự kiên cường trong thể thao của cô gái trẻ Quảng Ninh, sau nhiều năm dài vắng bóng, điền kinh Quảng Ninh mới có Vận động viên được xướng tên trên bảng thành tích thi đấu ở các giải vô địch trong khu vực Đông Nam Á.[46]

Phạm Thị Huệ cùng với "Nữ hoàng chân đất" Phạm Thị Bình (giành Huy chương vàng môn marathon 42,195 km tại SEA Games 27) là 2 nữ vận động viên điền kinh đặc biệt của Việt Nam, mỗi người có một lý do riêng nhưng họ đều có điểm chung là không sử dụng giày khi thi đấu nhưng vẫn xuất sắc giành được huy chương.[47] Tại giải Điền kinh quốc tế Dalat Ultra Trail 2018 với 2300 vận động viên tham dự, nữ vận động viên Đào Thị Linh Nhi 15 tuổi đã khiến nhiều người kinh ngạc bởi cô tham gia cự ly 22 km mà không mang giày vẫn đoạt huy chương vàng, điều đó khiến Linh Nhi trở thành nữ vận động viên điền kinh Việt Nam thứ 3 lập được thành tích trên đôi chân trần. Đáng chú ý, đường chạy của giải Dalat Ultra Trail 2018 là đường chạy hỗn hợp giữa đường nhựa và đường rừng. Trong đó, đường nhựa chỉ chiếm một quãng nhỏ trong toàn bộ đường chạy.[48]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phạm Thị Huệ (vận động viên điền kinh) http://www.baonhanh247.com/bai-viet/nen-dau-gianh-... http://tintre.com/tintuc/aznptzmfmhmg-bnl-um//the-... http://tthltdttbinhdinh.com/index.php?language=vi&... http://baomoi.me/an-choi/hinh-anh-dep-trong-ngay-d... http://news.skydoor.net/link/2968791 http://thethao.vnexpress.net/photo/photo/nu-vdv-vi... http://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=12&macmp=12... http://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=12&macmp=12... http://baobacninh.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=... http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=12&macm...